Đó là đánh giá của bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam. “Việt Nam đứng vị trí thứ 2 về XK da giày trên thế giới, sau Trung Quốc nhưng lại có khoảng cách khá lớn về kim ngạch XK với Trung Quốc. Năng suất lao động là minh chứng cho điều đó”, bà Xuân nói.

Theo phân tích của vị này, với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do sắp tới, Việt Nam được lựa chọn là điểm đến tốt, sau Trung Quốc trong việc tiếp nhận đơn hàng da giày. Song chúng ta chưa thể đáp ứng yêu cầu này, lý do chính là bởi năng suất lao động. Dù có lợi thế giá nhân công so với các nước nhưng với chi phí đầu vào liên tục tăng, trong khi chi phí đầu ra không tăng, thì năng suất lao động thấp cũng là rào cản làm cho ngành da giày chưa đạt tăng trưởng mức cao hơn. Ví dụ, với DN sản xuất giày của Việt Nam, trung bình 1 người lao động Việt Nam chỉ sản xuất được 3-4 đôi giày/ngày trong khi DN Trung Quốc dù giá nhân công cao nhưng họ sản xuất được 7-8 đôi giày/ngày.

Năng suất lao động thấp đã khiến cho sức cạnh tranh khi tiếp nhận các đơn hàng nước ngoài của DN có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, tay nghề người lao động cũng là vấn đề. Là ngành được đánh giá sử dụng nhiều lao động nhưng lao động ngành da giày ở trình độ phổ thông, trình độ tay nghề còn thấp cũng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động. Tất nhiên, năng suất lao động còn phụ thuộc vào điều kiện sản xuất, máy móc dây chuyền công nghệ, môi trường làm việc của DN nữa.

Nhận thức rõ vai trò của năng suất lao động trong việc tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm da giày, theo bà Xuân, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng của người lao động cũng như tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tốt hơn, hướng tới áp dụng mô hình quản lý chất lượng như LEAN, 6 Sigma, 5S…

Theo tính toán của Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam, nếu áp dụng mô hình tốt và áp dụng những phương pháp quản lý cũng như ứng dụng để giải quyết bài toán về năng suất lao động thì tăng trưởng ngành da giày sẽ tăng 1,5-2 lần so với mức hiện nay. Không cần nhìn đâu xa, ngay ở Việt Nam, khoảng cách giữa DN Việt Nam và DN FDI là một ví dụ. Vì vậy, trong thời gian tới, nên tăng cường liên kết giữa mạnh hơn nữa DN Việt Nam và DN FDI để tiếp cận mô hình quản lý tốt mà DN FDI tại Việt Nam đang ứng dụng thành công.

Bên cạnh đó, với thực tế ngành da giày vẫn phải NK nhiều nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, XK, các DN kiến nghị, Nhà nước quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày để đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành dựa trên các thế mạnh của tỉnh/vùng.

theo baohaiquan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *